Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Vì sao Quảng Ninh thiệt hại nặng trong mưa lũ

Vì sao Quảng Ninh thiệt hại nặng trong mưa lũ

Chính quyền chưa quyết liệt, dân còn chủ quan, đặc điểm đất đai yếu, thảm phủ thực vật mỏng là những nguyên nhân khiến Quảng Ninh thiệt hại nghiêm trọng trong trận mưa lũ lịch sử.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, mưa lũ kéo dài từ ngày 25/7 đến nay trên địa bàn tỉnh đã làm 17 người thiệt mạng (không phải 18 như thông báo trước đó), 15 người bị thương; khoảng 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá ngập lụt; hàng trăm ngôi nhà sập đổ; tài sản, hoa màu của người dân mất trắng; hạ tầng kinh tế, giao thông hư hỏng... ước thiệt hại lên tới 1.500 tỷ đồng, trong đó riêng ngành than mất hơn 500 tỷ.
Đánh giá nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại nặng, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng "do mưa quá lớn". Đến 28/7, mưa ở Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn tới hơn 800 mm, nước từ các nơi dồn dập đổ về khiến hệ thống thoát nước quá tải. Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Quân khu 3 ứng cứu, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn rất lớn.
qn3-2368-1438229938.jpg
Sạt lở làm 3 ngôi nhà của đại gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi) nằm giữa ngọn đồi khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long bị đánh sập hoàn toàn. 8 người trong gia đình đã chết, người còn lại bị chấn thương sọ não. Ảnh: Giang Chinh.
"Ngoài lý do mưa lớn, người dân vẫn còn chủ quan. Một số hộ khi được nhắc nhở đã không chịu di dời, thậm chí chống đối. Chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong việc sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm dẫn đến nhà sập, chết người", ông Long nói và cho hay tỉnh đã họp đánh giá lại tình hình và sẽ có biện pháp xử lý. Hiện tại mọi sức lực dồn vào việc giải quyết hậu quả và đón đợt mưa mới. 
Trong cuộc họp chiều 29/7, Chủ tịch Long đã đề nghị lãnh đạo TP Hạ Long và các địa phương có số người thiệt mạng lớn phải đánh giá nghiêm túc công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cơ quan chức năng phải kiểm soát không cho người dân quay lại nhà khi mưa lũ chưa chấm dứt, rà soát khu vực dễ sạt lở để kịp di dời dân.
"Nếu sau cuộc họp này, các địa phương còn để xảy ra chết người do sạt lở núi thì sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm đến từng cá nhân liên quan", ông gay gắt.
Phân tích nguyên nhân thiệt hại của Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đánh giá cường độ và diện bao phủ của đợt mưa tại Quảng Ninh lớn nhất trong 50 năm qua. Mưa kéo dài 10 ngày, chia làm hai đợt, tổng lượng phổ biến 200-300 mm mỗi ngày, cá biệt có những điểm trên dưới 1.000 mm như ở Cô Tô, Móng Cái 899 mm.
"Với lượng mưa lớn như vậy, việc úng ngập nặng ở thành phố ven biển là điều không tránh khỏi", ông Cường nói.
Từ góc độ địa chất, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó viện trưởng Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng Quảng Ninh chưa phải là địa phương có nguy cơ sạt lở đất cao so với vùng núi Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Nhưng mưa kéo dài, lượng mưa lịch sử 50 năm mới gặp khiến cho đất đá bị bão hòa nước, phần đất đá phía trên (phong hóa) bị ngậm nước, dễ dàng sạt lở.
Đặc điểm đất đai yếu, thảm phủ thực vật sơ mỏng khiến quá trình bão hòa lớp đất đá trên bề mặt xảy ra rất nhanh. Với cường độ mưa như hiện tại thì các sườn đồi, sườn dốc đều khó chịu được và có nguy cơ trượt lở. Hiện tại Quảng Ninh xảy ra tình trạng trượt thể hiện dưới dạng dòng bùn đá và chảy với tốc độ chậm. "Dự báo mưa còn kéo dài khoảng một tuần nữa, với vùng có cấu trúc địa chất phức tạp thì những khối trượt lở lớn sẽ được kích hoạt, tình trạng sạt lở có thể xảy ra ở tất cả vùng đồi núi Quảng Ninh", ông Hùng cảnh báo.
Chuyên gia địa chất cũng cho biết, các vùng có nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý gồm: rìa thành phố, ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả; khu dân cư nằm trên sườn đồi, chân đồi nhìn ra biển có cảnh quan đẹp; khu dân cư nằm dọc cửa suối. Các vùng xung yếu gồm Bình Liêu, Móng Cái, Đông Triều, Cẩm Phả, Hòn Gai, Bãi Cháy... bởi đây là những khu vực khai thác than lớn, có nhiều bãi thải.
"Nơi có mật độ sông suối dày, thảm phủ thực vật mỏng, dân số cao thì đều được đặt trong tình trạng báo động. Chính quyền nên có biện pháp tích cực với người dân ở những khu vực này để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người", tiến sĩ Hùng nói.
nhasat-9376-1438228785.jpg
Một ngôi nhà ở TP Hạ Long trơ móng do bị sạt lở núi. Ảnh: Giang Chinh.
Chung quan điểm, tiến sĩ Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho rằng, những khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đều nằm ven biển, có cường độ khai thác than lớn. "Mỏ sâu, bãi thải lớn có lực kết dính yếu, mưa xuống gây nên hiện tượng sạt trượt là điều dễ hiểu", ông Tăng nói.
Lý giải về nguyên nhân ngập nặng, vị tiến sĩ cho biết lượng mưa lớn kéo dài là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, đất thải nhiều cát, bùn sạt trượt làm tắc hệ thống cống rãnh, sông suối, hạn chế dòng chảy đổ ra biển và việc tiêu thoát nước.
Nhiều năm làm công tác khí tượng, ông Tăng đánh giá mưa cực đoan những ngày qua là hình thế gây thời tiết nguy hiểm thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa từ tháng 5 đến khoảng tháng 10, năm nào cũng xảy ra 1-2 lần. Khác với mọi năm, năm nay rãnh thấp gây mưa nằm trọn ở vịnh Bắc Bộ, chỉ có một phần liếm vào đất liền Quảng Ninh nên mưa đổ xuống địa phương này. 
Ông Tăng nhắc lại câu chuyện năm 2008, do ảnh hưởng của bão đổ bộ rồi hình thành vùng thấp trên đất liền Quảng Tây (Trung Quốc) gây ra lũ lịch sử ở sông Kỳ Cùng, làm ngập cả thành phố Lạng Sơn trong 2 ngày. Lúc đó, mưa ở đất liền chỉ 200-500 mm. 
Theo chuyên gia này, nguy cơ cần cảnh báo sớm là mưa lớn từ 31/7 trở đi. Khi đó, rãnh thấp sẽ di chuyển vào đất liền, qua vùng đồng bằng, lên trung du và sang vùng Tây Bắc. Diện mưa lớn sẽ bao phủ toàn bộ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dự báo 200-300 mm, cá biệt có thể lên đến 600 mm.
"Khi đó, tình hình lũ, sạt trượt đất đá có thể bao trùm toàn bộ vùng núi phía Bắc, Tây Bắc chứ không phải sạt mỗi vùng ven biển như Quảng Ninh. Tình thế đó thực sự nguy hiểm", ông Tăng cảnh báo và cho rằng người dân ở các khu vực trên nên chủ động phòng lũ quét. Khi có cảnh báo, chính quyền nên rà soát khu vực để di dân đến nơi an toàn.

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-quang-ninh-thiet-hai-nang-trong-mua-lu-3255952.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét